Hướng dẫn chọn thực phẩm ăn dặm cho bé

  • Người viết: ildongvietnam lúc 05.03.2021
  •  Tin tức

Ăn dặm là bước khởi đầu giúp bé làm quen với thực phẩm và tạo thói quen ăn uống sau này, cũng như cung cấp các dưỡng chất thiết yếu ngoài sữa mẹ để làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của bé. Tuy nhiên khi nào thì nên cho bé ăn dặm, lựa chọn thực phẩm ăn dặm như thế nào, cách chế biến món ăn dặm ra sao cho ngon miệng lại là những thắc mắc chung của nhiều cha mẹ lần đầu có con nhỏ.

Trong bài viết này, Ildong sẽ cung cấp các kiến thức và hướng dẫn hữu ích về ăn dặm theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng Quốc gia.

1. Ăn dặm là gì?

Ăn dặm hay còn gọi là ăn sam, ăn bổ sung là thời kì rất quan trọng trong sự phát triển của bé, đây là hoạt động cho bé ăn thêm các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ như : Bột, cháo, bánh, cơm, rau, hoa quả, sữa đậu nành, sữa bò…

2. Khi nào thì nên cho bé ăn dặm?

Trong 4 – 6 tháng đầu chỉ cần cho bé bú mẹ. Từ tháng thứ 5 hoặc thứ 6, ngoài sữa mẹ, bé cần được ăn bổ sung các loại thực phẩm khác. Vì từ 6 tháng tuổi trở đi, bé tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao đồng nghĩa với nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên. Sữa mẹ khi ấy không đủ đáp ứng dinh dưỡng cho trẻ, nhất là sau 6 tháng, sữa mẹ bắt đầu loãng và ít dần đi. Chính vì thế, bé cần được bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách ăn dặm để có thể phát triển tốt và khỏe mạnh.

3, Tác hại của việc cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn:

Nhiều cha mẹ cho bé ăn dặm quá sớm, thậm chí từ khi bé mới được 3 – 4 tháng, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé như:

  • Nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa do hệ tiêu hóa của bé còn non nớt, chưa thích nghi được với một số loại thức ăn.
  • Thức ăn không đảm bảo, khó tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, táo bón.
  • Bé ăn dặm sớm khiến trẻ bú mẹ ít đi, các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ bị thiếu hụt ở trẻ, đặc biệt là các chất giúp tăng đề kháng.
  • Bú ít gây tăng nguy cơ mang thai sớm ở người mẹ.
  • Nếu cho bé ăn dặm quá muộn (sau 9 tháng) sẽ khiến bé bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tăng trường, dẫn đến nguy cơ bị suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu…

4, Các nguyên tắc chính khi ăn dặm:

  • Cho bé ăn thức ăn lỏng trước, sau đó tăng độ đặc dần lên. Có thể cho bé tập ăn từ bột đến cháo rây, cháo nguyên hạt, cơm nát… để bé có thể nhanh chóng ăn được các loại thức ăn như người lớn. 
  • Lượng thức ăn khi mới ăn dặm cũng nên điều chỉnh dần từ ít đến nhiều, vài ngày đầu chỉ cần 1-2 muỗng cafe cũng là đủ cho bé. Tăng lượng ăn dần dần để dạ dày và hệ tiêu hóa của bé có thời gian làm quen và thích nghi với một loại thức ăn mới không phải sữa mẹ. Ngoài ra có thể bổ sung thêm váng sữa, sữa chua, bánh ăn dặm giúp bé thích thú mà vẫn bổ sung đủ chất dinh dưỡng
  • Với mỗi loại thức ăn nên cho bé làm quen khoảng vài ngày rồi mới đổi sang loại khác.
  • Số lượng thức ăn và bữa tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp lý với khẩu vị của bé
  • Chế biến thức ăn hỗn hợp giàu dinh dưỡng, sử dụng các thức ăn sẵn có tại địa phương và nên sử dụng các nguyên liệu theo đúng mùa.
  • Khi chế biến đảm bảo thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt, dễ cầm nắm.

5, Lựa chọn thực phẩm cho bé ăn dặm như thế nào?

  • Bé cần ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Tất cả các loại thức ăn tươi, sạch, giàu dinh dưỡng mà người lớn ăn được hằng ngày đều có thể cho bé ăn được, trừ rượu, bia và các loại gia vị chua, cay.
  • Bé không cần kiêng dầu, mỡ, rau xanh, cá, tôm, cua, trứng , thịt… vì một lượng nhỏ các loại thức ăn này cũng giúp cho bé khỏe mạnh.
  • Nên cho bé ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm:
  • Nhóm cung cấp chất đạm : thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ, lạc, vừng…
  • Nhóm tinh bột : gạo, mì, khoai ngô…
  • Nhóm chất béo: dầu, mỡ, lạc, vừng…
  • Nhóm giàu vitamin và chất khoáng: Rau, quả, đặc biệt các loại rau có màu xanh thẫm như : Rau ngót, rau muống, rau dền, rau cải, mồng tơi… và các loại quả có màu đỏ hoặc vàng: chuối, đu đủ, xoài… .

6, Thực đơn ăn dặm cho bé phù hợp với độ tuổi

a. Thực đơn ăn dặm cho bé từ 6 – 12 tháng

  • Bé  từ 6 – 8 tháng tuổi: Ở giai đoạn này, nên cho bé ăn các loại thức ăn mềm và dễ tiêu. Hệ tiêu hóa của bé cũng đang làm quen dần với thức ăn, nên cho bé ăn từng chút một, mỗi tuần tăng lượng ăn của bé lên một chút. Đầu tiên nên ăn 1 bữa/ngày, rồi tăng lên 2 bữa/ngày, đồng thời tăng độ đặc của cháo.
  •  Bé từ 9 – 11 tháng: Giai đoạn này có thể cho bé ăn 3 – 4 bữa bột đặc một ngày. Ngoài rau củ quả, nên cho bé ăn thêm trứng, thịt, cá, hải sản và đặc biệt là dầu hoặc mỡ. Vẫn duy trì cho bé bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức hàng ngày.

b, Thực đơn ăn dặm cho bé từ 12 – 23 tháng

  • Khi bé được 1 tuổi, có thể ăn đa dạng các loại thức ăn và ăn 4 bữa/ngày. Trong một bữa cần cho bé ăn đầy đủ tinh bột; trứng hoặc thịt, cá; rau và dầu mỡ.

c, Thực đơn ăn dặm cho bé từ 24 – 36 tháng

  • Giai đoạn này bé đã có thể ăn cơm với các loại thức ăn như người lớn. Tuy nhiên cần tránh những thức ăn quá cứng và dai, thức ăn có khả năng gây nghẹn, hóc.
  • Từ 2 tuổi trở đi, nhiều bé đã không còn bú mẹ. Vì thế bữa ăn cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đảm bảo cho sự phát triển của bé. Ngoài 3 – 4 bữa ăn chính mỗi ngày có thể cho bé ăn thêm 1 – 2 bữa phụ.
  • Cho bé ngồi ăn cơm chung với cả gia đình để bé học cách ăn uống, gắp đồ ăn và nhai kỹ thức ăn.

Lưu ý: dù ở độ tuổi nào ba mẹ cũng không nên cho bé ăn nhiều các loại đồ ăn vặt như bánh, kẹo, bim bim, khoai tây chiên… vì sẽ làm cho bé đầy bụng, bỏ bữa.

7, Lượng chất đạm bé cần một ngày là bao nhiêu?

Ba mẹ cần lưu ý bổ sung lượng chất đạm cho bé phù hợp theo từng độ tuổi, vì nhu cầu dinh dưỡng và khả năng hấp thụ của bé ở từng giai đoạn có sự khác biệt rất lớn:

  • Bé 5 – 6 tháng: 20 – 30 g Thịt ( cá, tôm), khoảng 2 – 3 thìa cà phê băm nhỏ chia 2 bữa; nếu ăn trứng : 1/2 lòng đỏ trứng gà hoặc 2 lòng đỏ trứng chim cút.
  • Bé 7 – 12 tháng: 100 – 120 g thịt hoặc 150g cá, tôm, hoặc 200g đậu phụ trong 1 ngày chia 3 – 4 bữa (nếu cho bé ăn cả thịt, cá, tôm thì mỗi thứ chỉ cần 30 – 40g mỗi ngày), hoặc 1 lòng đỏ trứng gà mỗi bữa. Một tuần cho bé ăn từ 3- 4 quả trứng.
  • Bé 13 – 36 tháng: 120 – 150 g thịt hoặc 150 – 200g cá, tôm, hoặc 250g đậu phụ mỗi ngày, hoặc 1 quả trứng gà mỗi bữa (ăn cả lòng trắng) 1 tuần ăn từ 3 – 4 quả trứng. 
  • Bé từ 36 tháng trở lên: 200g thịt hoặc 250g cá, tôm, hoặc 300g đậu phụ; mỗi ngày có thể cho bé ăn 1 quả trứng nhưng phải giảm bớt thịt hoặc cá.

Ildong Foodis

CT1A thành phố Giao Lưu, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

0899 300 900

Trở thành đại lý

Kết nối mạng xã hội

Copyright © 2023 Banhandamildong